Doanh nghiệp thương mại sản xuất bớt nặng gánh chi phí logistics

Tỷ trọng chi phí logistics trong các doanh nghiệp thương mại và sản xuất có xu hướng giảm dần, theo khảo sát của Bộ Công Thương.

Theo kết quả khảo sát trong “Báo cáo Logistics Việt Nam 2023” mới công bố của Bộ Công Thương, có khoảng 76,9% doanh nghiệp được hỏi cho biết chi phí logistics chiếm dưới 15% tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Chỉ còn gần 16,5% có chi phí 15-20%. Trong khi chỉ 6,59% tốn hơn 20% chi phí sản xuất kinh doanh cho khâu logistics.

Chi phí logistics là một khoản chi phí đầu vào của doanh nghiệp, góp phần tạo nên giá thành hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, chi phí cao dẫn đến giá cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của WorldBank năm 2014, chi phí logistics Việt Nam chiếm khoảng 20,9% GDP. Đến 2018, tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết chi phí trung bình là 16-18%. Như vậy, so với các năm trước, báo cáo đánh giá có tiến triển trong giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa hoạt động logistics của doanh nghiệp năm nay.

Tuy nhiên, khi khảo sát tiêu chí “giá cả phù hợp với chất lượng” của logistics, có 63% doanh nghiệp được hỏi đánh giá ở mức trung bình – kém. Trong khi đó, tỷ lệ nhận xét khá – tốt chỉ chiếm 37%. Ngoài ra, nhiều tiêu chí khác như: năng lực chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên; khả năng giải quyết các sự cố bất ngờ, quản lý thời gian cũng có trên dưới 50% đánh giá chưa tốt.

Xuất nhập khẩu hàng hoá tại cảng Tân Vũ - Hải Phòng ngày 13/7. Ảnh: Giang Huy

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tân Vũ – Hải Phòng ngày 13/7. Ảnh:Giang Huy

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 mới đây, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng chi phí logistics tại Việt Nam vẫn còn cao hơn mức chung của thế giới (khoảng 10%). “Dù có đổi mới, phát triển liên tục nhưng để sản phẩm Việt Nam cạnh tranh quốc tế lẫn trong nước hiệu quả, logistics còn nhiều cản trở”, ông nhận định.

Năm nay, Việt Nam hạng 43 trên 139 nền kinh tế được xếp hạng về Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của WorldBank, cùng hạng Philippines, và đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. So với 10 năm trước, Việt Nam tăng 10 bậc nhưng so với năm ngoái tụt 4 bậc.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng để phát triển ngành logistics Việt Nam cần 4 chiến lược, gồm: nâng cao năng lực doanh nghiệp, tăng cường chuyển đổi số, phát triển nhân lực và phát triển logistics xanh.

Các giải pháp đột phá cụ thể như sớm hình thành cảng trung chuyển, đội tàu quốc gia (tàu biển container và đội tàu bay hàng hóa). “Đây là thời điểm cần thiết để hình thành đội tàu quốc gia. Ngoài ra, hình thức khu thương mại tự do cũng được nhiều địa phương quan tâm nhưng chưa có pháp lý, cần sớm hoàn thiện chính sách”, ông Hải nhìn nhận.

Cùng với đó, một số biện pháp khác cần thiết như ưu đãi vốn, khả năng tiếp cận đất đai, thu hút đầu tư – phát triển thị trường logistics, và thành lập Hội đồng quốc gia phát triển dịch vụ logisitcs.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *